Teya Salat
↓Cuối Trang
Bạn có thích BacNinhNo1.XTgem.Com?
Yahoo FaceBook Zing Me Google+ Twitter
Đánh giá (like - dislike)
+A Tăng cỡ chữ-AMặc định- -AGiảm cỡ chữ
Đọc truyện ma
Con quạ

"... Poe đã viết một bài thơ nổi tiếng mà tất cả chúng ta đều biết, nổi tiếng quá đáng bởi đó không phải là một trong những bài thơ hay nhất của ông: bài Con quạ. Sau đó, trong một cuộc nói chuyện ở Boston, ông đã giải thích quá trình sáng tác bài thơ. 
Đầu tiên, ông nhận thấy vai trò quan trọng của điệp khúc, sau đó ông nghĩ đến ngữ âm của tiếng Anh. Ông khẳng định rằng hai âm dễ ngân vang và có hiệu quả nhất của tiếng Anh là “o” và “r”. Thế là ngay lập tức ông tìm ra cụm từ never more, "không bao giờ nữa". Khởi đầu chỉ có vậy. Sau đó xuất hiện một vấn đề: phải làm sao để hợp lý hóa việc nhắc đi nhắc lại hai từ này, bởi vì nói chung nếu để một người làm việc đó thì không được tự nhiên lắm. Ông tự nhủ không được quá lý trí, và điều đó dẫn ông tới ý tưởng về một con chim biết nói. Ông đã nghĩ tới vẹt, nhưng loài chim này không có được những phẩm chất mà thơ ca đòi hỏi. Thế là ông chọn một con quạ. Nói một cách trung thực, khi đó ông đang đọc cuốn tiểu thuyết của Charles Dickens, Barnaby Rudge, trong đó có chuyện một con quạ. Thế là ông có một con quạ tên là Never more và nó không ngừng nhắc lại tên mình. Đó là tất cả những gì Edgar Poe có lúc ban đầu. 
Sau đó ông tự nhủ: sự kiện nào đáng buồn nhất, đau khổ nhất? Chắc chắn đó là cái chết của một cô gái đẹp. Ai sẽ là người đau khổ nhất khi nghe cái tin ấy? Dĩ nhiên, đó là người yêu của nàng. Thế là ông nghĩ tới một chàng trai vừa mất người yêu, người yêu có tên là Leonore, để vần với Never more. Chàng trai khi đó đang ở đâu? Poe suy nghĩ: con quạ màu đen. Màu đen nổi bật nhất trên nền màu gì? Màu trắng. Vậy ta hãy chọn màu trắng của bức tượng, một bức tượng của ai nhỉ? Ta hãy chọn bức tượng của Pallas Athènes. Bức tượng đặt ở đâu? Trong thư viện. Edgar Poe giải thích rằng để bài thơ được thống nhất, cần phải chọn một nơi kín đáo. 
Vậy là ông đặt bức tượng Minerve trong thư viện. Chàng trai ngồi một mình trong đó, giữa những quyển sách của chàng và thương khóc người yêu đã chết, so lovesick more. Sau đó con quạ bay vào. Tại sao con quạ lại bay vào? Như ta đều biết, thư viện là một nơi yên tĩnh, vậy cần phải đưa ra một cái gì đó trái ngược: Edgar Poe tưởng tượng ra một trận bão. Đêm giông bão đã ném con quạ vào thư viện. 
Chàng trai hỏi tên con quạ, nó kêu lên: never more. Chàng trai đau khổ vật vã, tiếp tục hỏi nhưng nó trả lời tất cả những câu hỏi đó bằng cách lặp đi lặp lại: never more, never more, never more, không bao giờ nữa. Nhưng chàng trai vẫn hỏi, hỏi mãi. Cuối cùng chàng trai nói với con quạ điều mà ta có thể coi là ẩn dụ đầu tiên của bài thơ: Hãy tống khứ cái mỏ của mày ra khỏi trái tim tao rồi cút ra khỏi cửa. Con quạ, (đã trở thành biểu tượng của ký ức, một ký ức - đáng buồn thay - bất tử), con quạ ấy đáp: never more. Chàng trai hiểu rằng chàng đã bị kết án chung thân, rằng trong suốt quãng đời còn lại, quãng đời kỳ ảo còn lại, chàng sẽ phải chuyện trò với con quạ, con quạ chỉ biết khẳng định một điều duy nhất: không bao giờ nữa. Chàng sẽ suốt đời phải đặt cho nó những câu hỏi mà chàng đã biết trước câu trả lời. Nói cách khác, Edgar Poe muốn chúng ta tin rằng ông đã viết một bài thơ lý trí. Nhưng chỉ cần nghiên cứu chủ đề của bài thơ kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ nhận thấy rằng điều đó là giả tạo. Edgar Poe hoàn toàn có thể thực hiện được ý tưởng sáng tác một cách duy lý của mình nếu chọn một gã dở hơi hay một người say rượu thay cho con quạ. Khi đó chúng ta sẽ có một bài thơ khác hẳn và khó giải thích hơn."
(Jorge Luis Borges, Về truyện trinh thám, Ngô Tự Lập dịch)

Một đêm nao lúc giữa đêm buồn thảm, tôi đương ngẫm ngợi mệt lả và rã rời
Trước cuốn sách chẳng còn ai nhớ đến khá lạ kỳ và xưa cũ
Tôi đương gà gật gần như thiếp đi, đột nhiên có tiếng đập vào cửa
Như có ai nhẹ nhàng gõ cửa - gõ vào cửa buồng tôi
“Có khách nào”, tôi khẽ nói, “đập vào cửa buồng” -
Chỉ vậy thôi chẳng có gì hơn nữa
 
À, tôi nhớ rõ, một đêm tháng chạp lạnh lẽo
Mỗi thanh củi chết dần tro than, đổ hồn bóng của nó lên sàn
Tôi da diết muốn trời mau sáng; - đã hoài công mượn chồng sách
mong ngơi ngớt cơn sầu - nỗi sầu nàng Lenore đã mất
Người trinh nữ rạng ngời hiếm có, được thiên thần gọi tên Lenore
Giờ tên nàng chẳng còn trên đời nữa
 
Và tiếng lụa xột xoạt mơ hồ buồn bã của từng tấm rèm hồng tía
Làm tôi rùng mình - tràn ngập hồn tôi nỗi khiếp sợ lạ kỳ chưa cảm thấy bao giờ
Để bình tâm tôi lại tự nhủ mình,
“Có vị khách nào đứng ngoài cửa nài nỉ xin vào
Một vị khách muộn màng nào đó, đứng ngoài cửa nài nỉ xin vào” -
Thế thôi, chẳng có gì hơn nữa
 
Lúc này tôi đã vững tâm hơn, chẳng còn e ngại nữa
“Quý ông hay quý bà”, tôi bảo,” thực lòng xin thứ lỗi
Quả tình tôi đương thiếp ngủ, mà quí vị lại gõ quá nhẹ nhàng
Lại đập quá khẽ khàng - đập cửa buồng tôi
Tôi không dám chắc là đã nghe tiếng gõ” - và đây tôi mở rộng cửa
Ngoài đó đêm đen chẳng có gì hơn nữa
 
Nhìn sâu vào đêm thẳm, tôi đứng đó thật lâu ngạc nhiên, sợ hãi
Lòng nghi hoặc, mơ những giấc mơ chẳng người trần nào từ trước dám mơ
Nhưng im lặng vẫn hoàn im lặng, và bóng đêm chẳng hé lộ điều gì
Và chỉ một từ được thốt lên, tiếng thì thầm “Lenore!”
Tiếng thì thầm của chính tôi, và lầm rầm nghe vọng lại “Lenore!”
Chỉ vậy thôi chẳng còn gì hơn nữa
 
Trở lại phòng, cả hồn tôi rực cháy
Rồi tôi lại nghe một tiếng đập, nghe chừng còn mạnh hơn lần trước
“Chắc là”, tôi tự nhủ, “ chắc có gì động ngoài song cửa
Hẵng thử xem ngoài ấy có gì, rồi sẽ tìm ra bí ẩn này
Hẵng cứ bình tâm giây lát, rồi sẽ tìm ra bí ẩn này
Là gió thôi, chẳng có gì hơn nữa
 
Tôi mở tung cánh cửa, con quạ vung vinh vỗ cánh dồn dập bước vào
Một con quạ bệ vệ, trang nghiêm của những ngày thiêng xưa cũ
Chẳng hề cung kính, không lúc nào dừng lại hay đứng yên
Mà với bộ mặt đài các kiêu kỳ đậu vào phía trên cánh cửa buồng tôi
Đậu trên tượng bán thân thần Pallas, đặt ngay phía trên cánh cửa buồng tôi
Đậu chễm chệ thế thôi, chẳng có gì hơn nữa
 
Thế rồi với bộ dạng trịnh trọng nghiêm nghị
Con chim màu mun này làm tôi nguôi đi, lòng đương sầu muộn chợt thấy buồn cười
“Cho dù đầu ngươi bị xén trụi lông rồi”, tôi bảo, “nom ngươi chẳng nỗi nào hèn nhát”
Con quạ khủng khiếp và cổ lỗ bay lang thang thoát khỏi bờ Đêm
Cho ta biết quí danh ngươi nơi bờ Đêm địa ngục
Con quạ kêu lên: “Không bao giờ nữa”
 
Tôi kinh ngạc xiết bao khi nghe con chim lóng ngóng vụng về này phát thành lời rõ thế
Dù câu trả lời khá vô nghĩa - vu vơ
Bởi tôi cũng như bạn không thể tin rằng một ai trên đời này
Có diễm phúc được thấy loài chim hay thú nào trên cánh cửa phòng mình
Nó đậu ngay trên pho tượng phía trên cửa phòng mình
Với một cái tên: “Không bao giờ nữa”
 
Nhưng con quạ đơn độc đậu trên pho tượng câm lặng ấy,
Chỉ nói mỗi một từ, dường như nó trút cạn cả linh hồn vào đó
Rồi nó chẳng thốt thêm lời nào, lặng yên không động cánh
Cho đến khi tôi khẽ thì thầm: “Bạn bè đã bỏ tôi bay biến đi từ trước -
Và ngày mai nó lại sẽ bỏ tôi, như bao hi vọng đã bay đi từ trước
Lời quạ kêu lên: “Không bao giờ nữa”
 
Giật mình trước sự yên tĩnh bị phá vỡ bởi tiếng trả lời rất đanh và rõ
Tôi liền bảo: “ Chắc lời nó thốt ra là toàn bộ vốn liếng ngôn từ
Lấy từ một ông chủ bất hạnh mà tai ương tàn khốc
Bám riết theo cho đến khi những bài ca nước mắt
Và những lời ai điếu Niềm Hi Vọng hắn than vãn u buồn trĩu nặng
“Không bao giờ- không bao giờ nữa”
 
Con quạ cứ thế làm tôi khuây khỏa, tâm hồn đương buồn bã lại muốn mỉm cười
Tôi bèn lê thẳng chiếc ghế nệm tới trước con chim, trước pho tượng bán thân và cánh cửa
Rồi lún ngập trong nhung đệm, tôi miên man tưởng tượng
Nghĩ ngợi con chim quái gở này từ thủa xa xưa -
Con chim ác nghiệt, thô vụng, rùng rợn buồn thảm và quái gở từ thủa xa xưa
Muốn nói gì khi kêu lên “Không bao giờ nữa”
 
Đến lúc này, tôi đành ngồi ngẫm đoán, không nói một lời với con chim kiêu bạc
Mà đôi mắt rực lửa thiêu đốt tận tâm can
Đến lúc này, ngồi dần dà đoán thêm, đầu nhẹ nhàng ngả trên nhung tím
Nơi ánh đèn hau háu trùm lên
Nhưng chiếc gối bọc nhung tím ánh sáng đèn hau háu trùm lên
Nàng sẽ chẳng ôm ghì được nữa - không bao giờ nữa
 
Rồi tôi cảm thấy khí trời đậm đặc hơn, đượm mùi thơm từ một lư hương vô hình
Đung đưa trên tay thiên thần mà tiếng chân buông khẽ vang  trên thảm
“Thân làm tội đời”, tôi gào lên,” Chúa đã ban cho ngươi và qua những thiên thần này
đã gửi tới cho ngươi niềm khuây khỏa - niềm khuây khoả và rượu giải sầu để lãng quên Lenore.”
Hãy uống, hãy uống đi chút rượu giải sầu này và quên đi nàng Lenore đã mất
Con quạ kêu: “Không bao giờ nữa”
 
“Kẻ báo điềm kia!” - Tôi bảo. - “ Đồ tai ác kia! Ngươi lặng thinh là chim hay là quỷ”.
Quỷ cám dỗ phái ngươi đến, hay bão táp quăng ngươi dạt vào bến bờ này
Vừa cô độc lại vừa nghênh ngang khinh bạc, trên mảnh đất thần diệu hoang vu này
Trong ngôi nhà ám ảnh rùng rợn ấy -  ta van ngươi hãy nói thật ta nghe.
Có chăng, liệu có chăng nhựa hương vùng Gilead?
Con quạ kêu lên: “Không bao giờ nữa”
 
“Kẻ báo điềm kia!” - Tôi bảo. - “Đồ tai ác kia! - Ngươi lặng thinh. Là chim hay là quỷ”.
Có trời cao nhìn xuống chúng ta, có chúa mà hai ta tôn thờ
Xin hãy bảo cho tâm hồn đang trĩu nặng buồn thương,  xem trên cõi thiên đường xa xôi
Nó có còn được siết vào lòng người trinh nữ thánh thiện được các thiên thần gọi tên Lenore
Siết chặt người trinh nữ rạng ngời, hiếm có được các thiên thần gọi tên Lenore
Con quạ kêu lên: “Không bao giờ nữa”
 
“Là chim hay là quỷ, lời ngươi kia là dấu hiệu của chia lìa”. - Tôi đứng phắt dậy gào lên
Hãy quay về với dông bão và bờ Đêm địa ngục
Đừng bỏ lại một chiếc lông đen nào làm bằng cho lời dối trá mà hồn ngươi vừa phun ra
Cút khỏi pho tượng trên cánh cửa buồng ta
Hãy rút mỏ ra khỏi tim ta và mang hình hài ngươi biến sau khung cửa
Con quạ đáp lời: “Không bao giờ nữa”
 
Và con quạ không hề động cánh, vẫn im lìm, tọa im lìm
Trên bức tượng xanh xao, tượng Pallas bán thân bên trên cánh cửa
Và mắt ấy, mắt quỷ đương mơ ngủ,
Và ánh đèn trên cao đổ bóng
Và hồn tôi khi nào thoát khỏi
Bóng quạ đen dập dềnh trên sàn
Không thể nào bay lên - không bao giờ nữa!
Hoàng Tố Mai dịch từ nguyên bản tiếng Anh
Counter : 1|1|152
Tags: bacninhno1.xtgem.com/giaitri/truyenma/079.php,....
SEO : Bạn đến từ: